Thị trường ngoại hối là nơi diễn ra hoạt động giao dịch các loại tiền tệ quốc tế toàn cầu. Những đơn vị tham gia thị trường ngoại hối thường là các doanh nghiệp, ngân hàng trung ương, quỹ phòng ngừa rủi ro, công ty quản lý quỹ đầu tư cùng các nhà đầu tư giao dịch Forex. Vậy chính xác thì ngoại hối là gì? Thị trường ngoại hối là gì? Tình hình thị trường ngoại hối Việt Nam ra sao? Hãy cũng Top Kinh Doanh tìm hiểu chi tiết dưới đây.
Ngoại hối là gì?
Ngoại hối là toàn bộ tài sản, quyền sử dụng tài sản có thể được định giá và có khả năng chuyển đổi thành tiền tệ giao dịch toàn cầu hay còn gọi là phương tiện thanh toán quốc tế.
Ngoại hối bao gồm các loại sản phẩm sau:
– Ngoại tệ: Đồng tiền được công nhận sử dụng chung của một nhóm nước hay trên quốc tế.
– Công cụ thanh toán ngoại tệ: Công cụ thanh toán này được ghi sử dụng bằng tiền nước ngoài nư: thẻ ngân hàng, lệnh phiếu, hối phiếu, séc, giấy chuyển đổi ngân hàng.
– Các loại chứng từ có giá trị ngang với ngoại tệ như cổ phiếu, trái phiếu công ty, trái phiếu chính phủ.
– Đồng tiền của mỗi quốc gia – bản tệ: Đồng tiền của mỗi quốc gia sẽ được xem là đồng tiền ngoại hối khi đồng tiền được sử dụng để thanh toán các chi phí quốc tế hay ra vào quốc gia đó.
– Tiền mã hóa: Là các loại tiền tệ được đảm bảo nhờ hệ thống mạng lưới máy tính trên toàn cầu thay vì chịu sự bảo đảm của chính phủ. Chẳng hạn như: Bitcoin, Ethereum…
– Vàng: là tổng sản lượng vàng dự trữ của quốc gia.
Thị trường ngoại hối là gì?
Thị trường ngoại hối là một thị trường phi tập trung và diễn ra các hoạt động trao đổi, mua bán các loại ngoại tệ cùng các phương tiện thanh toán quốc tế có giá trị tương đương như ngoại tệ.
– Thị trường ngoại hối là nơi diễn ra các hoạt động kinh doanh ngoại hối nhằm thu lại lợi nhuận.
– Thị trường ngoại hối diễn ra các hoạt động mua bán hay trao đổi ngoại hối. Hoạt động chủ yếu được thực hiện chính là mua bán, trao đổi các loại ngoại tệ hay các phương tiện thanh toán quốc tế.
– Là nơi trao đổi, mua bán các loại ngoại hối với hai đối tượng chủ yếu chính là ngoại tệ và các phương tiện thanh toán quốc tế. Có thể nói nơi nào diễn ra hoạt động mua bán, trao đổi các đồng tiền khác nhau được gọi chung là thị trường ngoại hối.
– Cũng có thể xem thị trường ngoại hối là thị trường ngoại tệ liên ngân hàng. Bởi vì giao dịch ngoại hối tại ngân hàng chiếm đến 85% tổng số giao dịch ngoại hối trên thị trường.
Trên thế giới, các trung tâm tài chính giữa vai trò như một trung tâm giao dịch xuyên suốt 24h, và không hoạt động trong các ngày nghỉ lễ hay cuối tuần.
Chức năng của thị trường ngoại hối
Thị trường ngoại hối là nơi đảm nhiệm những chức năng dưới đây:
– Thị trường ngoại hối là công cụ giúp ngân hàng trung ương thực hiện các chính sách về tiền tệ nhằm điều chỉnh nền kinh tế theo đúng mục tiêu của chính phủ. Khi muốn hạn chế hoạt động nhập khẩu và khuyến khích xuất khẩu nhằm hạn chế tình trạng hụt cán cân thương mại, chính phủ có thể can thiệp vào thị trường ngoại hối thông qua việc yêu cầu ngân hàng trung ương mua ngoại tệ vào. Ngược lại, nếu giá ngoại tệ tăng cao so với giá nội tệ gây áp lực tạo nên tình trạng lạm phát, chính phủ có thể can thiệp bằng việc yêu cầu ngân hàng trung ương bán ngoại tệ để nâng giá trị nội tệ lên.
– Thị trường ngoại hối tạo nên cơ chế phù hợp nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu giao dịch trao đổi và mua bán ngoại tệ để phục vụ cho các hoạt động xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ cùng nhiều hoạt động kinh tế đối ngoại khác. Thị trường này mang tính toàn cầu và hoạt động liên tục không ngừng nghỉ đảm bảo nhu cầu sử dụng ngoại tệ của cả hai bên mua và bán.
– Thị trường ngoại hối cũng được sử dụng như một công cụ giúp ngăn chặn các rủi ro về tỷ giá. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều áp dụng cơ chế tỷ giá thả nổi khiến cho tỷ giá hối đoái luôn mang sự biến động. Sự biến động này ảnh hưởng đến lợi ích của chủ thể trên thị trường. Các công ty đa quốc gia, công ty hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và các cá nhân sở hữu nguồn chi hay thu ngoại tệ trong tương lai sẽ chịu sự tác động rủi ro lớn khi có sự biến động của tỷ giá hối đoái trên thị trường. Thông qua những nghiệp vụ như quyền chọn, mua bán có kỳ hạn,… sẽ giúp các doanh nghiệp ngăn ngừa được các rủi ro có thể xảy ra trong tương lai.
– Thị trường ngoại hối còn là nơi tạo ra nguồn thu nhập cho các chủ thể sở hữu ngoại tệ. Các chủ thể ngân hàng thương mại tham gia vào thị trường chủ yếu phục vụ các hoạt động giao dịch cho ngân hàng là chính. Ngân hàng thực hiện các hoạt động giao dịch chênh lệch tỷ giá giữa thị trường để thu lợi nhuận bằng cách mua ở thị trường giá rẻ và bán lại ở thị trường có giá cao hơn. Các chủ thể cá nhân và các tổ chức kinh tế khác cũng có thể thu lợi nhuận thông qua hoạt động đầu cơ ngoại tệ này.
– Thị trường ngoại hối là nơi các khoản đầu tư hay tín dụng quốc tế được luân chuyển. Các chủ thể đầu tư thực hiện hoạt động chuyển đổi ngoại tệ phục vụ cho hoạt động đầu tư vào thị trường với mức lãi dự tính cao. Bên xuất khẩu đưa ra thời hạn thanh toán tối đa là 90 ngày đối với bên nhập khẩu và yêu cầu họ phải thanh toán khoản chi phí này tại phòng giao dịch ngoại hối của các ngân hàng thương mại mà bên xuất khẩu có tài khoản. Đến cuối cùng, bên xuất khẩu vẫn nhận được tiền đúng hạn còn ngân hàng sẽ nhận được khoản thanh toán khi đến hạn từ bên nhập khẩu.
Những điều cần biết về thị trường ngoại hối
1. Hàng hóa giao dịch
Sản phẩm hàng hóa giao dịch chính trong thị trường ngoại hối chính là tiền tệ. Giao dịch ngoại hối là một loại hình giao dịch mà khối lượng tiền tệ được mua vào khi một khối lượng tiền tệ khác đang được bán ra.
Lượng tiền này sẽ được giao dịch thông qua các nhà môi giới trên thị trường hay giao dịch trực tiếp theo từng cặp tiền như EUR / USD hoặc GBP / JPY.
2. Đối tượng giao dịch
Những đối tượng giao dịch trong thị trường ngoại hối bao gồm:
– Chính phủ, ngân hàng trung ương: Đối tượng này bao gồm chính phủ của các quốc gia lớn cùng hệ thống ngân hàng trung ương. Ví dụ như: Ngân hàng Trung ương Anh Quốc, Ngân hàng Trung ương Châu Âu, Cục Dự trữ Liên bang.
– Ngân hàng lớn: Citibank, Deutsche Bank, Goldman Sachs,… Các giao dịch ngoại hối được thực hiện cho chính ngân hàng, công ty, các khách hàng và cơ quan chính phủ lớn hay các cá nhân có giá trị ròng cao.
– Nhà đầu tư cá nhân: là các cá nhân có nhu cầu đầu tư ngoại tệ, đi du lịch, thanh toán và giao dịch ngoại hối để thu lại chênh lệch lợi nhuận về giá.
– Nhà môi giới ngoại hối: là các tổ chức cung cấp quyền truy cập vào các thị trường ngoại hối toàn cầu cho các cá nhân, tổ chức trên toàn thế giới thông qua các sàn giao dịch trực tuyến.
3. Cơ chế hoạt động của thị trường ngoại hối
Các loại tiền tệ trên thị trường ngoại hối được giao dịch theo từng cặp. Tức là khi mà các nhà đầu tư thực hiện hành động mua một loại tiền tệ thì cũng đồng thời bán ra một loại tiền tệ khác. Các cặp tiền tệ được phân chia thành ba loại riêng biệt:
– Cặp tiền tệ chính: Là đồng USD được ghép cặp với bất kỳ loại tiền tệ khác sẽ trở thành cặp tiền tệ chính trên thị trường. Chẳng hạn như: USD – CAD, EUR – USD, USD – JPY,…
– Các cặp tiền chéo: Tập hợp các cặp tiền không chứa đồng đô la Mỹ. Sự kết hợp giữa các loại tiền tệ khác còn được gọi là cặp tiền tệ phụ. Một số cặp tiền tệ chéo thường gặp như: NZD-CAD, EUR-GBP, GBP-JPY và EUR-JPY.
– Cặp tiền kỳ lạ: Là một số loại tiền tệ chính được ghép cùng các loại tiền tệ của một số nền kinh tế mới nổi. Chẳng hạn như: USD-HKD, EUR-SEK, CAD-MXN và JPY-SGD.
Các hoạt động giao dịch tiền tệ của mỗi quốc gia cũng tương tự như các hoạt động đầu tư vào của cải của quốc gia đó. Khi hoạt động giao thương và kinh tế của quốc gia phát triển, đồng tiền cũng sẽ mạnh lên. Khi gặp khó khăn về kinh tế, giá trị đồng tiền cũng sẽ suy giảm. Chính vì vậy, các nhà đầu tư đưa ra nhận định rằng nền kinh tế của một quốc gia phát triển sẽ tốt hơn nhiều so với nền kinh tế của những quốc gia khác.
4. Thời gian giao dịch
Thị trường ngoại hối là một thị trường luôn hoạt động xuyên suốt 24 giờ từ thứ 2 đến thứ 6 chỉ nghỉ vào ngày lễ và cuối tuần. Sẽ luôn có thị trường thay thế hoạt động khi bất kỳ một thị trường nào đóng cửa. Việc này tạo điều kiện để các nhà đầu tư tham gia vào các hoạt động giao dịch bất kể ngày đêm.
Thị trường ngoại hối Việt Nam
Trước năm 1991, nền kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn hướng nội, các vấn đề về ngoại thương và ngoại hối đều thông qua Nhà nước. Nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước là quản lý, ban hành chính sách về tiền tệ và tín dụng. Nhiệm vụ của các ngân hàng thương mại là kinh doanh tiền tệ, tín dụng và chỉ duy nhất ngân hàng thương mại được phép hoạt động và kinh doanh ngoại hối.
Sau năm 1991, Nhà nước đã thông qua Ngân hàng Nhà nước để thực hiện thống nhất quản lý ngoại hối. Năm 1994, sự ra đời của thị trường liên ngân hàng đánh dấu bước ngoặt hình thành và phát triển của thị trường ngoại hối Việt Nam theo chuẩn mực quốc tế.
Từ năm 2004 đến nay, Thị trường ngoại hối Việt Nam dần trở nên sôi động hơn. Nhờ sự kết hợp giữa kỹ thuật, hạ tầng và chính sách đã đẩy nhanh sự tiến bộ của thị trường ngoại hối, các giao dịch ngoại hối đầu tiên được thực hiện qua mạng Internet.
Hiện nay, hoạt động kinh doanh ngoại hối tại Việt Nam chịu sự điều chỉnh của các văn bản quy phạm pháp luật sau: Pháp lệnh Ngoại hối số 28/2005/PL-UBTVQH11 ngày 13/12/2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Pháp lệnh số 06/2013/PL-UBTVQH13 ngày 18/3/2013 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng (Nghị định này thay thế Nghị định số 96/2014 /NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ); Thông tư số 20/2011/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định việc mua, bán ngoại tệ tiền mặt của cá nhân với tổ chức tín dụng được phép.
Trong đó, Điều 36 Pháp lệnh Ngoại hối về nguyên tắc kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối quy định: “Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức khác được kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối ở trong nước và nước ngoài sau khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận bằng văn bản”.
Theo đó, đối với các tổ chức, cá nhân không thuộc đối tượng quy định trong Pháp lệnh Ngoại hối như trên không được phép kinh doanh ngoại hối và không được phép mở các sàn Forex tại Việt Nam.
Tuy mọi hành vi kinh doanh ngoại tệ của cá nhân, tổ chức (không thuộc các đối tượng trên) đều là vi phạm pháp luật nhưng trong thời gian qua, thị trường Forex ở Việt Nam khá sôi động. Theo Công an Thành phố Hà Nội, tính đến quý II/2021, tại Việt Nam, có khoảng 300 sàn giao dịch ngoại hối trái phép tồn tại, thu hút nhiều người tham gia đầu tư.
Một số tổ chức lợi dụng lòng tin của người dân để đưa ra các chiêu thức lừa đảo qua sàn Forex, nổi lên trong thời gian qua là tổ chức Lion Group, đầu tư ngoại hối thông qua sàn giao dịch điện tử Fx trading markets.
Các thành viên của tổ chức Lion Group giới thiệu là có đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm và xây dựng một cộng đồng gần 40.000 nhà đầu tư tham gia. Người muốn gia nhập Lion Group, gửi tiền đầu tư cho Ban chuyên gia của Lion Group với số tiền tối thiểu là 1.000 USD. Số tiền đầu tư sẽ được Ban chuyên gia giao dịch giúp với cam kết lợi nhuận 0,8 đến 1% mỗi ngày và 20 – 24% hằng tháng.
Người tham gia có thể tăng thêm thu nhập thông qua việc phát triển mạng lưới, đội nhóm của riêng mình bằng cách kêu gọi, vận động người khác tham gia (giống hình thức đa cấp). Tổ chức này đã bị Công an thành phố Đà Nẵng triệt phá hồi tháng 02/2021.
Đầu tháng 4/2021, Công an thành phố Hải Phòng đã phát hiện và triệt phá sàn Forex có tên là Hitoption, giao dịch trên không gian mạng, rất nhiều người đầu tư tham gia ở nhiều tỉnh, thành phố trong toàn quốc, trong đó nhiều người đầu tư ở Hải Phòng. Số tiền của những người đầu tư vào sàn Hitoption rất lớn, tổng số dư hiện tại của người đầu tư là hơn 629.000 USD, tương đương 15 tỷ đồng (với khoảng 969 người tham gia).
Trong tháng 5/2021, một loạt sàn Forex lừa đảo đã bị lực lượng công an đánh sập. Một nhóm đối tượng đã lập ra cái gọi là sàn giao dịch vàng, ngoại tệ trái phép Rforex.com để chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng của người tham gia đã bị công an bắt giữ.
Các đối tượng cầm đầu cũng đã bị khởi tố về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Từ năm 2018 đến nay, nhóm trên đã thành lập 4 sàn Forex, 15 website để thực hiện lừa đảo mua bán ngoại tệ và vàng. Hệ thống chân rết đã vươn ra 27 quốc gia, thu hút 12.000 người tham gia.
Thời gian qua, chỉ tính riêng các sàn giao dịch vàng, tiền ảo, ngoại tệ trái phép và nhiều website giống các sàn Forex do Công an Thành phố Hà Nội phối hợp với Công an Thành phố Hồ Chí Minh vừa triệt phá, số tiền người tham gia đã lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh một số sàn Forex bị phát hiện và triệt phá, còn rất nhiều sàn vẫn đang hoạt động ngầm và tiếp tục lừa đảo các tổ chức, cá nhân tham gia để chiếm đoạt tài sản.
Nguồn: https://tapchinganhang.gov.vn/
Kết lại thị trường ngoại hối là gì?
Thị trường ngoại hối là một thị trường phi tập trung và diễn ra các hoạt động trao đổi, mua bán các loại ngoại tệ cùng các phương tiện thanh toán quốc tế có giá trị tương đương như ngoại tệ. Cũng có thể xem thị trường ngoại hối là thị trường ngoại tệ liên ngân hàng. Bởi vì giao dịch ngoại hối tại ngân hàng chiếm đến 85% tổng số giao dịch ngoại hối trên thị trường. Trên thế giới, các trung tâm tài chính giữa vai trò như một trung tâm giao dịch xuyên suốt 24h và không hoạt động trong các ngày nghỉ lễ hay cuối tuần.